Thánh Phanxico Assisi và cảnh Giáng Sinh đầu tiên

Cảnh Giáng Sinh xưa

Hoạt cảnh Chúa giáng sinh là vật trang trí phổ biến cho Mùa Vọng và Giáng sinh trong nhiều thế kỷ, truyền thống này bắt nguồn từ chính một vị Thánh Công giáo, Thánh Phanxico Assisi. Vậy gốc của truyền thống này là gì, chúng ta cùng tìm hiểu nhé !

Thánh Phanxico Assisi và tình yêu với hài nhi Giêsu

Thánh Phanxico Assisi và mẫu tử Đức Maria

Mầu nhiệm Nhập Thể là một trong những biến cố trọng đại ghi dấu tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta. Ngôi Hai Thiên Chúa đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên phàm nhân, sống như người trần thế.

Từ đó, Ngài đã mở toang cánh cửa tình yêu đã bị đóng lại từ lâu, sau khi con người đánh mất tình yêu thuở ban đầu; mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tình yêu và ơn cứu độ.

Lúc sinh thời, khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm khôn tả này, Thánh Phanxico Assisi cũng đã từng ngất ngây trước biến cố Nhập thể của Con Thiên Chúa. Sử gia Thomas Cêlanô kể lại: “Thánh Phanxico Assisi thường mừng đại lễ Giáng sinh của Chúa Hài Đồng với một niềm vui bao la. Thánh Phanxico Assisi cho rằng đó là ngày lễ của các lễ.

Ngài thường hôn kính háo hức các bức ảnh Chúa Hài Nhi và lòng cảm thương nồng nàn đối với Hài Nhi Giêsu, khiến ngài lắp bắp thốt ra những lời âu yếm như trẻ thơ bập bẹ. Danh thánh Chúa ngọt ngào như mật ong trong miệng ngài”. Cảm nghiệm sâu xa đó đã được Thánh Phanxico Assisi cụ thể hoá qua việc Ngài cho dựng lại hoạt cảnh Giáng Sinh của Con Thiên Chúa năm xưa nơi triền núi Greciô.

Cảnh Giáng Sinh đầu tiên

Cảnh Giáng Sinh xưa

Sử gia Thomas Cêlanô, một người cùng thời với Thánh Phanxico Assisi đã thuật lại câu nguyện cảm động này. Ý nghĩa câu chuyện phần nào nói lên lòng tưởng nhớ và tôn kính của Thánh Phanxico Assisi đối với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Câu chuyện xảy ra ở Greciô vào năm 1223, ba năm trước khi Thánh Phanxico Assisi qua đời.

“Trong vùng ấy có một người tên là Gioan, danh tiếng đã tốt, mà đời sống lại còn tốt hơn(…). Như vẫn quen làm, chừng nửa tháng trước lễ Giáng Sinh, Thánh Phanxico Assisi cho mời ông đến. Ngài nói với ông: “Nếu ngài muốn chúng ta cử hành thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh sắp tới tại Greciô, ngài nên mau đi trước chuẩn bị và cẩn thận những điều tôi dặn đây.

Tôi ao ước diễn lại kỷ niệm về Hài Nhi sinh ra ở Bêlem và lấy đôi mắt trần của tôi nhìn xem đến mức tối đa các nỗi khó khăn túng thiếu của con trẻ, cảnh em bé nằm trong máng cỏ, ngủ trên cỏ khô, giữa một con bò và một con lừa. Nghe xong các lời dặn dò, con người tốt lành và trung thành ấy, vội vã ra đi chuẩn bị mọi sự tại làng trên theo ý của Thánh Phanxico Assisi.

Ngày vui đã tới, thời gian hân hoan bắt đầu. Các anh em ở nhiều nơi khác được gọi đến tham dự. Dân chúng địa phương, cả nam lẫn nữ, nô nức như trong ngày hội, mỗi người chuẩn bị đuốc và nến tùy khả năng, để thắp sáng đêm ấy, là đêm đã được thấy mọc lên Ngôi Sao rực rỡ sáng soi mọi ngày mọi đêm.

Thánh Phanxico Assisi tới, thấy mọi việc chu tất thì rất mừng. Người ta đã đặt một máng cỏ với cỏ khô, đã dắt đến một con bò và một con lừa. Tại đấy, đức đơn sơ được tôn vinh, đức khó nghèo được tán dương, và Greciô đã gần như trở thành một Bêlem mới.

Đêm đen sáng tỏ như ban ngày, khiến cả loài người lẫn loài vật được hạnh phúc. Dân chúng từng đoàn lũ lượt kéo đến, và tâm hồn họ hớn hở một niềm vui mới trước mầu nhiệm mới. Rừng cây vang dội tiếng hoan ca, đồi núi vọng lại lời vinh chúc. Các anh em cất lời ca, dâng lên Chúa những lời ngợi khen xứng danh Người, và đêm ấy là đêm tràn đầy hoan lạc.

Hàng đá ở Grecio

Thánh Phanxico Assisi đứng trước máng cỏ, không ngớt thổn thức, lòng bồi hồi thương cảm, đồng thời chứa chan niềm vui khôn tả. Các nghi thức long trọng của thánh lễ được cử hành bên trên máng cỏ, và vị linh mục chủ tế được hưởng một niềm an ủi mới mẻ.

Đấng thánh của Thiên Chúa mặc phẩm phục phó tế vì đã nhận chức ấy. Thánh Phanxico Assisi cất tiếng sang sảng hát bài Phúc âm. Giọng ngài mạnh mẽ, truyền cảm, rõ ràng, vang dội, mời gọi cộng đoàn mở rộng tâm hồn đón nhận ân huệ cao cả nhất. Rồi Thánh Phanxico Assisi giảng cho dân chúng đứng chung quanh, tuôn những lời ngọt ngào như mật ong để nói về biến cố Giáng sinh của đức Vua nghèo khó và làng Bêlem bé nhỏ.

Nhiều lần Thánh Phanxico Assisi gọi Chúa Kitô là “Hài nhi Bêlem” với tấm lòng cháy lửa tình yêu nồng nàn. Thánh Phanxico Assisi phát âm hai chữ “Bêlem” theo cách chiên kêu be be. Khi ấy miệng ngài đầy âm thanh, nhưng còn đầy tình âu yếm hơn nữa. Có vẻ như ngài đưa lưỡi liếm môi mỗi khi nói đến tên “Giêsu” hoặc “Hài nhi Bêlem”, vui mừng thưởng thức trong cổ và nuốt lấy vị ngọt toát ra từ những chữ ấy.

Đấng Toàn Năng tuôn đổ nhiều ơn xuống nơi ấy, và một người đạo đức đã được Chúa ban cho một linh kiến lạ lùng. Ông thấy một hài nhi nằm bất động trong máng cỏ, rồi thấy Thánh Phanxico Assisi tới gần đánh thức hài nhi đang ngủ li bì. Linh kiến ấy thật phù hợp, bởi vì Hài Nhi Giêsu đã bị chìm vào quên lãng trong lòng nhiều người. Nay, do tác động của ơn thánh, Người lại được đánh thức và ghi khắc vào ký ức trìu mến của họ, thông qua tôi tớ thánh thiện của Người là Thánh Phanxico Assisi. Đại lễ đêm Giáng Sinh bế mạc, mọi người ra về hân hoan.

Thánh Phanxico Assisi và hài nhi Giêsu

Sau đó người ta đem cất giữ số rơm khô đã đặt trong máng cỏ, để nhờ đó được ơn Thiên Chúa chữa lành cho gia súc, vì lòng từ bi của Chúa bao la vô cùng. Thực sự có nhiều gia súc trong vùng mắc nhiều thứ bệnh, nhờ ăn rơm ấy mà được khỏi. Hơn nữa, phụ nữ chuyển dạ đau đớn và kéo dài đã được mẹ tròn con vuông sau khi lấy ít rơm ấy đặt trên mình. Một nhóm người đông đảo, cả nam lẫn nữ, đã làm như vậy và được chữa lành nhiều chứng bệnh.

Nơi dựng hang đá Giáng Sinh nay đã được cung hiến để trở nên một đền thờ dâng Chúa. Tại chính điểm đặt máng cỏ năm ấy, một bàn thờ được xây lên kính Cha Thánh Phanxico Assisi với mục đích: khi xưa tại chỗ này gia súc được nuôi bằng cỏ khô, từ nay con người được bổ dưỡng hồn xác bằng thịt Con Chiên không tì vết là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng đã ban chính mình cho ta vì lòng thương yêu khôn tả vô bờ bến”. (Thomas Cêlanô, Hạnh Thánh Phanxico Assisi, Bản dịch của Lm Nguyễn Gia Thịnh, số 84 -87)

Sùng kính lan rộng

cảnh giáng sinh
Cảnh Chúa Giáng sinh, của Rogier van der Weyden, một phần của Bàn thờ Bladelin. Public Domain.

Việc Thánh Phanxico Assisi tái hiện đêm Giáng sinh đầu tiên đó nổi tiếng đến nỗi chẳng bao lâu sau, mọi nhà thờ ở Ý đều có cảnh Chúa giáng sinh của riêng mình. Lòng sùng kính cũng lan rộng đến các gia đình riêng, và trong thời hiện đại, ngay cả đến các tổ chức ngoài Kitô Giáo.

Hy vọng rằng câu chuyện về cảnh Chúa giáng sinh đầu tiên này sẽ truyền cảm hứng cho bạn, để bạn có thể nhận ra cảnh Chúa giáng sinh chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn là chỉ như một vật trang trí Giáng sinh đẹp mắt. Đó là một truyền thống lịch sử Công giáo và là một cách thức để suy niệm về sự khiêm nhường, đơn sơ và khó nghèo của Chúa Kitô mà Người đã mặc lấy, từ lúc Nhập thể, vì tình yêu vô biên của Người dành cho chúng ta, những con chiên của Người.

10 điều ĐGH Phanxico muốn chúng ta học từ cảnh Giáng Sinh

ĐGH Phanxico hôn hài nhi Giêsu
Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ Giáng sinh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ngày 24.12.2020.

1. Cảnh Chúa Giáng sinh giống như một Tin mừng sống động. 

Đức Thánh Cha viết: việc mô tả về sự ra đời của Chúa Giêsu là “một lời công bố đơn sơ và hân hoan về mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa”. Khung cảnh Chúa Giáng sinh mời gọi tất cả những ai chiêm ngưỡng “đi vào một hành trình thiêng liêng, được lôi kéo bởi sự khiêm nhường của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành người phàm để gặp gỡ mọi người nam và người nữ.”

2. Phong tục bắt nguồn từ Kinh thánh. 

hang đá giáng sinh cổ
Một chi tiết trong cảnh Chúa Giáng sinh cổ của Castelli

Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng khung cảnh Chúa Giáng sinh xuất phát từ “các trang Kinh thánh”. Tin Mừng Thánh Luca kể rằng Mẹ Maria “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (2:7). Máng cỏ là tâm điểm của cảnh Chúa Giáng sinh. Thật vậy, từ ngữ trong tiếng Ý để chỉ cảnh Chúa Giáng sinh là “presepe”, xuất phát từ tiếng Latinh là “praesepium,” có nghĩa là “máng cỏ”.

3. Truyền thống được sinh ra tại một thị trấn khiêm tốn của Ý. 

Thánh Phanxico Assisi dừng chân tại Greccio vào tháng Mười Một năm 1223, có lẽ trên đường từ Roma trở về sau khi nhận được sự phê chuẩn của Đức Giáo hoàng cho Luật dòng của ngài.

Mười lăm ngày trước lễ Giáng sinh, Thánh Phanxico Assisi đã nhờ một người đàn ông địa phương tên Gioan giúp ngài “làm sống lại ký ức về Hài nhi sinh tại Bêlem, để tận mắt được chứng kiến sự thiếu thốn đối với nhu cầu của một trẻ sơ sinh, cách Hài nhi nằm trong máng cỏ, và làm thế nào mà Hài nhi được đặt trên một cái giường bằng cỏ khô, với một con bò và một con lừa đứng bên cạnh.”

Vào ngày lễ Giáng sinh, Thánh Phanxico Assisi cùng với các tu huynh anh em của ngài và những người trong khu vực lân cận đứng trước một máng cỏ đầy cỏ khô, trông xem một con bò và một con lừa.

4. Cảnh Chúa giáng sinh đầu tiên được kết nối với Bí tích Thánh Thể. 

Mô tả khung cảnh ở Greccio ngày hôm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tất cả những người có mặt đều trải nghiệm một niềm vui mới và khó tả trước khung cảnh Giáng sinh. Sau đó, Thánh Phanxico Assisi đã long trọng cử hành Thánh Lễ trên máng cỏ, thể hiện mối liên kết giữa sự Nhập thể của Con Thiên Chúa và Bí tích Thánh Thể.” Không giống như những cảnh Chúa Giáng sinh ngày nay, Đức Thánh Cha nói, lúc đó không có tượng. Thay vào đó, “cảnh Chúa giáng sinh được diễn tả và trải nghiệm bởi tất cả những người có mặt.”

5. Cảnh Chúa giáng sinh ban đầu đã truyền cảm hứng cho một thị kiến. 

Đức Giáo hoàng nhắc lại rằng một trong những người chứng kiến cảnh Chúa giáng sinh đầu tiên đã nhìn thấy “một thị kiến huyền diệu”. Tu sĩ Thomas of Celano, người viết tiểu sử đầu tiên của Thánh Phanxico Assisi, đã viết rằng “một trong những người có mặt đã nhìn thấy chính Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ.”

6. Cảnh Chúa giáng sinh là một phương tiện rao giảng Tin mừng. 

Đức Giáo hoàng nói rằng bằng việc tạo ra khung cảnh Chúa giáng sinh, Thánh Phanxico Assisi đã “thực hiện công cuộc rao giảng Tin mừng vĩ đại” vẫn tiếp tục chạm đến các tâm hồn cho đến ngày nay. Thánh nhân đã khám phá ra “một phương tiện đơn giản nhưng chân thực để miêu tả vẻ đẹp đức tin của chúng ta” mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được.

7. Máng cỏ là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa.

cảnh giáng sinh

Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng cảnh Chúa Giáng sinh gây được tiếng vang sâu sắc vì nó thể hiện tình yêu thương dịu dàng của Thiên Chúa. Những cảnh Chúa Giáng sinh công bố rằng “Đấng Tạo Hóa của vũ trụ đã hạ mình xuống để mang lấy sự nhỏ bé của chúng ta.” Cảnh giáng sinh cuốn hút các giác quan và trí tưởng tượng, giúp con người “cảm nhận” và “chạm vào” sự nghèo khó mà Con Thiên Chúa đã mang lấy khi nhập thể.”

8. Cảnh Chúa giáng sinh chứa đựng một lời kêu gọi phục vụ. 

Đức Giáo hoàng nói rằng máng cỏ Giáng sinh ẩn chứa một thông điệp. Ngài viết: “Máng cỏ kêu gọi chúng ta theo Người trên con đường khiêm nhường, khó nghèo, và từ bỏ bản thân dẫn đi từ máng cỏ Bêlem đến thập giá.” Cảnh đó yêu cầu chúng ta gặp gỡ Ngài và phục vụ Ngài bằng cách tỏ lòng thương xót đối với những người anh chị em của chúng ta đang cần sự giúp đỡ nhất.”

9. Ngay cả phông cảnh mở rộng cho cảnh Chúa Giáng sinh cũng có ý nghĩa. 

cảnh giáng sinh ngày nay
Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép cảnh Chúa Giáng sinh gần Vatican ngày 9.12.2019.

Đức Giáo hoàng lưu ý rằng các mô tả trong cảnh Chúa giáng sinh thường bao gồm “những tàn tích của các căn nhà hoặc tòa nhà cổ.” Ngài viết: “Hơn bất cứ điều gì, những tàn tích là dấu hiệu hữu hình của nhân loại sa ngã, của mọi thứ chắc chắn sẽ rơi vào cảnh đổ nát, suy tàn và thất vọng. Khung cảnh tuyệt đẹp này cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là sự mới mẻ giữa một thế giới già nua, Ngài đến để chữa lành và xây dựng lại, để phục hồi thế giới và sự sống của chúng ta trở về vẻ huy hoàng ban đầu.”

10. Cảnh Chúa giáng sinh nuôi dưỡng lòng sùng kính Mẹ Maria và Thánh Giuse. 

Đức Giáo hoàng nhận xét rằng Đức Trinh nữ Maria được thể hiện là “một người mẹ chiêm ngắm con mình và giới thiệu cho mọi người thấy”. Nơi Mẹ, “chúng ta nhìn thấy Mẹ Thiên Chúa không giữ Con Mẹ cho riêng mình, nhưng mời gọi mọi người vâng nghe lời Người và đem ra thực hành.” Thánh Giuse đứng bên cạnh Mẹ Maria, bảo vệ Mẹ và Hài Nhi Giêsu. Cảnh Chúa giáng sinh nhắc nhở chúng ta rằng Thánh Giuse “luôn phó thác cho thánh ý của Thiên Chúa, và thi hành ý muốn của Người”, khuyến khích chúng cũng làm như vậy.

Tổng kết

hang đá giáng sinh

Thánh Phanxico Assisi tám thế kỷ trước đã từng ngất ngây trước mầu nhiệm Giáng Sinh và ngài đã gợi hứng cho chúng ta về những lần Nhập Thể sống động cụ thể của Ngôi Hai Thiên Chúa trong chính cuộc đời chúng ta, bên dòng đời luôn đổi thay. Tinh thần Greciô như một lời mời gọi chúng ta hãy khám phá ý nghĩa đích thực của mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người và không ngừng làm mới mẻ lại ý nghĩa của mầu nhiệm ấy trong thời đại của chúng ta.

Thực vậy, dù cho biến cố Giáng Sinh đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng lịch sử cứu độ không ngừng lại ở đó. Mầu nhiệm Nhập Thể vẫn luôn tiếp nối, bài học yêu thương vẫn tồn tại mãi. Vì Chúa Giêsu không chỉ sinh ra một lần trong lịch sử xa xôi, mà vẫn còn đang sinh ra trong cuộc đời của mỗi chúng ta hôm nay và ngày mai.

hang đá giáng sinh

Lạy Chúa Hài Nhi Giêsu xin cho chúng con học được bài học yêu thương từ mầu mhiệm Nhập Thể của Chúa. Xin cho chúng con luôn thao thức rằng chúng con đang sống trong một thế giới ngày càng có nhiều mối đe dọa đang rình rập cuộc sống của con người, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật và hèn mọn. Và xin Chúa cũng soi sáng cho chúng con biết dấn thân hành động cho những điều thiện hảo, công lý, tình yêu và hoà bình, để tình yêu và bình an của mầu nhiệm Giáng Sinh được lan tỏa tràn lan trên toàn thế giới theo tinh thần của Thánh Phanxico Assisi:

“Nơi nào có oán ghét hận thù, xin giúp con xây dựng tình thương.

Nời nào có khinh khi nhục mạ, xin giúp con mang lại thứ tha.

Nơi nào có mâu thuẩn bất đồng, xin giúp con nên người hoà giải

Nơi nào có giả dối sai lầm, xin giúp con cũng cố đức tin.

Nơi nào có nản chí sờn lòng, xin giúp con gieo niềm hy vọng.

Nơi nào có bóng tối mây mù, xin giúp con khơi nguồn ánh sáng.

Nơi nào có u sầu buồn bã, xin giúp con đem lại an vui”.

Đôi nét về Shop Công Giáo online

Shop Công Giáo online là một cơ sở Công Giáo chuyên cung cấp các tượng ảnh thờ phụng cho bà con giáo dân.
Với mong muốn mang nét đẹp Công Giáo đến với tín hữu yêu mến nghệ thuật Thánh. Shop Công Giáo hy vọng với những nỗ lực của tập thể, sẽ giúp thăng hoa thêm cho đời sống đạo của đại cộng đồng dân Chúa.
Xem thêm các mẫu tượng Giáng Sinh và Thánh Phanxico Assisi đẹp tại đây

Shop Jbcatholic online1

Shop Công Giáo online – Mang nghệ thuật Thánh đến với ngôi nhà của bạn!
———————————– 
QUÝ KHÁCH HÀNG QUAN TÂM XIN LIÊN HỆ:
 Shop Công Giáo online – Uy Tín và Chất Lượng 
🌐 Website: http://tuonggoconggiaohcm.net/
 Hotline: 09.314.50.314 – 0936.705.844(zalo)

Rate this post
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *